Quốc kỳ Australia (wallpaper) Quốc huy Australia Vị trí Australia Bản đồ Australia
Tên đầy đủ: Commonwealth of Australia (Thịnh vượng chung Australia) Quốc ca: Advance Australia fair Ngôn ngữ chính thức: Tiếng Anh Thủ đô: Canberra; Thành phố lớn nhất: Sydney Diện tích: 7.692.024 km2 (hạng 6) Mật độ dân số: 2,3 người/km2 (hạng 236) Quốc khánh: 1/1/1901
Australia hay Úc có quốc danh chính thức là Thịnh vượng chung Australia (Commonwealth of Australia), là Quốc gia thuộc châu Đại Dương chiếm toàn bộ lục địa Australia, đảo Tasmania, nhiều đảo nhỏ xung quanh (đảo Giáng Sinh, đảo Cocos, quần đảo biển San Hô, quần đảo Heard and McDonald) cùng một phần châu Nam Cực tuyên bố chủ quyền (không được công nhận do Hiệp ước Nam Cực).
Australia là Quốc gia duy nhất chiếm trọn diện tích một lục địa. Về diện tích họ xếp thứ 6 thế giới nhưng về dân số chỉ có gần 25 triệu người (tương đương Thượng Hải), nên đây là một trong những nước thưa dân nhất thế giới. Các Quốc gia lân cận Australia gồm có Indonesia, Timor Leste và Papua New Guinea phía bắc; Solomon phía đông bắc; New Zealand, New Caledonia và Vanuatu phía đông.
Lục địa Australia được người châu Âu phát kiến khá muộn, được họ xem là “Vùng đất thứ 5” (sau châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ) và là vùng đất cuối cùng của thế giới (không kể châu Nam Cực). Cùng với châu Mỹ, Australia được gộp chung vào thuật ngữ “Tân Thế giới”, chỉ những vùng đất được người châu Âu phát kiến với đa phần dân cư được tạo nên bởi các luồng di dân qua nhiều thế kỷ. Những thập kỷ Âu hóa đã khiến nền văn hóa của thổ dân bản địa gần như không còn. Ngày nay Australia tuy là một nước châu Đại Dương và nằm gần châu Á nhưng trụ cột của nền văn hóa lại là văn minh phương tây, họ thuộc khối Thịnh vượng chung Anh Quốc, coi Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị là vị Quân chủ Quốc gia, và tuy không thuộc châu Âu nhưng hằng năm Australia vẫn tham dự Eurovision.
Về mặt chủng tộc, Australia có 92% cư dân là người da trắng châu Âu, khiến họ “giống với châu Âu hơn cả một vài nước châu Âu”. Lượng người nhập cư thường trú hằng năm được nhập vào Australia cũng rất cao (từ 100.000 – 200.000 người) và chủ yếu đến từ châu Á. Tại Australia có 20,3% cư dân là người da trắng Australia, còn lại là người Anh (36,1%), Ireland (11%), Scotland (9,3%), Trung Quốc (5,6%), Italy (4,6%), Đức (4,5%), Ấn Độ (2,8%), Hy Lạp (1,8%), Hà Lan (1,6%), các sắc dân châu Á còn lại (1,4%), và thổ dân bản địa cùng các dân tộc khác (1%). Cũng theo thống kê (năm 2016) thì có đến hơn 1/4 dân số (26%) cư dân Australia được sinh ra tại nước ngoài, cụ thể thì 5 nhóm dân nhập cư Australia lớn nhất là tại Anh Quốc (3,9%), New Zealand (2,2%), Trung Hoa đại lục (2,2%), Ấn Độ (1,9%) và Philippines (1%). Về mặt tôn giáo, Australia có lượng người Vô thần (phi tôn giáo) rất cao (30,1%), các đức tin còn lại bao gồm Công giáo Roma (22,6%), Tin lành (18,7%), Giáo hội Anh Quốc (13,3%), Chính thống giáo (9,1%), Hồi giáo (2,6%), Phật giáo (2,4%), Ấn giáo (1,9%), Do Thái giáo (0,4%) và tôn giáo khác (0,8%).
Terra Australis (tiếng Latin: Terra = vùng đất, Australis = phương nam) là một lục địa giả thuyết xuất hiện trên bản đồ châu Âu từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Tên khác của lục địa tưởng tượng này còn có Magellanica (vùng đất của Magellan), Tierra del Fuego (Đất Lửa), La Australia del Espiritu Santo (tiếng Tây Ban Nha: Vùng đất phía nam của Chúa Thánh thần), La Grande Isle de Java (tiếng Pháp: Hòn đảo lớn của Java). Giả thuyết về một lục địa lớn ở phương nam ra đời vào thế kỷ XV, khi hầu hết các vùng đất mà người châu Âu biết đến đều nằm ở Bắc bán cầu, nên họ đề ra giả thuyết phải có một lục địa rộng lớn ở Nam bán cầu để tạo sự cân bằng.
Ferdinand Magellan cùng 5 tàu thám hiểm Tây Ban Nha đến eo biển Magellan ngày 1/11/1520, ông không biết đảo cực nam châu Mỹ Tierra del Fuego (Đất Lửa) rộng bao nhiêu nên cho rằng đó là lục địa phương nam trong truyền thuyết. Một thế kỷ sau Thuyền trưởng người Hà Lan William Drake chứng minh rằng Tierra del Fuego chỉ là một hòn đảo cỡ trung chứ không phải một lục địa. Cái tên Terra Australis được chuyển cho một lục địa cũng do người Hà Lan “tìm ra” là Australia. Người Hà Lan còn gọi Australia bằng một số cái tên khác như Magellanica hay New Holland (Tân Hà Lan). Về sau người Anh thay cái tên quá đậm nét Latin là Terra Australis bằng danh xưng Australia, kết hợp từ chữ Australis và hậu tố Latin Ia (bỏ đi đuôi Is là một hậu tố La Mã). Ia là hậu tố Latin để chỉ một vùng đất, từ này thường xuất hiện ở đuôi tên gọi của nhiều Quốc gia ngày nay. Đến năm 1824, Hải quân Hoàng gia Anh chính thức đồng ý rằng lục địa này sẽ được nhắc tới với tên gọi Australia.
Bản đồ thế giới năm 1570, dựa trên một nhận định sai lầm rằng đảo Tierra del Fuego chính là Terra Australis trong truyền thuyết Bản đồ đầu tiên vẽ riêng về lục địa tưởng tượng Terra Australis, năm 1583
Quốc kỳ Australia là một Blue Ensign (hiệu kỳ nền xanh với Quốc kỳ Vương quốc Anh ở 1/4 góc trên phía cán cờ). Phía dưới cờ Vương quốc Anh là ngôi sao Liên bang bảy cánh (tượng trưng cho bảy bang). 5 ngôi sao trên phần cờ bay mô phỏng chòm sao Crux hoặc Southern Cross (Nam Thập tự), là một chòm sao nổi bật ở Nam bán cầu và là biểu tượng phổ biến trên Quốc kỳ các nước châu Đại Dương.
Thiết kế nguyên bản của Quốc kỳ Australia được lựa chọn vào năm 1901 từ các mẫu tham dự cuộc thi thiết kế Quốc kỳ quốc gia, được tổ chức sau khi Australia được Liên bang hóa. Lá cờ đầu tiên đại diện cho Australia được kéo lên tại Melbourne vào ngày 3/9/1901, ngày này hằng năm là ngày Quốc kỳ Australia. Các tỉ lệ hình học và sắc độ màu chính xác được thông qua năm 1934, và đến năm 1954 thì lá cờ này chính thức được định nghĩa pháp lý là Quốc kỳ Australia.
Quốc kỳ Australia sử dụng ba biểu tượng nổi bật: Hiệu kỳ Vương quốc Anh, ngôi sao Thịnh vượng chung (còn gọi là ngôi sao Liên bang) và chòm sao Nam Thập tự.
Khi được sử dụng làm Quốc kỳ của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (Vương quốc Anh), bản thân hiệu kỳ Liên minh là gồm ba chữ thập đại diện cho các Quốc gia cấu thành Anh Quốc:
Chữ thập Thánh George màu đỏ trên nền trắng của Anh.
Chữ thập chéo Thánh Andrew màu trắng trên nền xanh lam của Scotland.
Chữ thập chéo Thánh Patrick màu đỏ trên nền trắng của Ireland.
Tại Australia, hiệu kỳ Vương quốc Anh tượng trưng cho lịch sử Quốc gia này hình thành dựa trên công cuộc khai phá của người Anh, song theo nhiều quan điểm mang tính chất thời đại hơn thì hình tượng này là biểu thị lòng kiên trung và mối liên kết sâu rộng giữa Australia và Anh Quốc.
Ngôi sao bảy cánh (ngôi sao Thịnh vượng chung) ban đầu chỉ có sáu cánh, đại diện cho sáu xứ thuộc địa tham gia tiến trình Liên bang hóa, hình thành nên Liên bang Australia. Tuy nhiên một thay đổi diễn ra vào năm 1908 khi cánh sao thứ bảy được thêm vào nhằm đại diện cho Lãnh thổ Papua (hoặc bất kỳ lãnh thổ nào trong tương lai). Lý do căn bản khác của việc thay đổi là để hợp với ngôi sao được sử dụng trong Quốc huy, được tạo ra trong cùng năm 1908.
Chòm sao Nam Thập tự là một chòm sao đặc biệt chỉ có thể được nhìn thấy thấy tại Nam Bán cầu, nó đã được sử dụng để đại diện cho lục địa Australia ngay từ những ngày đầu người Anh đến định cư. Một trong những người thiết kế Quốc kỳ Australia là Ivor Evans đã định dùng chòm sao Nam Thập tự để chỉ bốn đức tính mà nhà thơ thời Trung cổ Dante Alighieri đặt ra cho một con người… đó là công chính, cẩn thận, kiên nhẫn và tiết chế. Số cánh của các sao chòm Nam Thập tự trên Quốc kỳ Australia ngày nay hơi khác so với thiết kế nguyên bản, theo đó mỗi sao sẽ có từ năm đến chín cánh – tượng trưng cho độ sáng tương đối của chúng trên bầu trời đêm. Các sao trong chòm Nam Thập tự cũng được đặt tên theo năm chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp, theo thứ tự giảm dần độ sáng trên bầu trời. Về sau, với mong muốn được đơn giản hơn trong việc may Quốc kỳ, Hải quân Hoàng gia Anh thay đổi bốn ngôi sao lớn trong chòm Nam Thập tự thành ngôi sao bảy cánh (tượng trưng cho bảy bang), và ngôi sao nhỏ nhất nằm gần trung tâm chỉ có năm cánh. Thay đổi này chính thức được thông qua và có hiệu lực vào ngày 23/2/1903.
Quốc kỳ Vương quốc Anh là sự kết hợp giữa Thập giá Thánh George của Anh, Thập giá Thánh Andrew của Scotland và Thập giá Thánh Patrick của Ireland, tuy cũng là nước cấu thành Vương quốc Anh nhưng trên hiệu kỳ lại không có biểu tượng đại diện cho Xứ Wales Chòm sao Nam Thập tự Ngôi sao Thịnh vượng chung với bảy cánh đại diện cho bảy bang của Australia Lam thuyền kỳ (Blue Ensign) - một kiểu thiết kế quen thuộc tại các thuộc địa cũ Anh Quốc Hồng thuyền kỳ (Red Ensign), trong quá khứ từng là kiểu thiết kế của Quốc kỳ Canada Cờ Dân sự Australia Cờ Hải quân Australia, sử dụng nền trắng giống với lá White Ensign của Anh Quốc White Ensigh (Bạch thuyền kỳ), lá cờ của Hải quân Hoàng gia Anh Cờ Thủ tướng Australia Cờ cá nhân tại Australia của Nữ hoàng Anh Elizabeth II
Trước năm 1901, lãnh thổ Australia ngày nay có sáu thuộc địa riêng biệt của Đế quốc Anh. Lá cờ đầu tiên được sử dụng tại Australia cũng là Quốc kỳ Đế quốc Anh, được dùng lần đầu trên đất Australia vào ngày 29/4/1770 khi Thuyền trưởng James Cook đổ bộ vào vịnh Botany, sau đó lại tiếp tục được sử dụng khi người châu Âu bắt đầu quá trình định cư lâu dài vào ngày 26/1/1788. Kể từ khi người châu Âu đến khai phá cho tới khi Australia được Liên bang hóa năm 1901, mỗi thuộc địa trong số sáu thuộc địa riêng biệt tại Australia đều có lá cờ riêng, dựa vào Quốc kỳ Anh Quốc.
Khi ý thức về một Quốc gia Australia độc lập bắt đầu xuất hiện, nhiều phong trào nhằm tạo ra lá cờ riêng cho Quốc gia được hình thành và các hiệu kỳ không chính thức bắt đầu xuất hiện phổ biến. Hai nỗ lực đã được tiến hành trong suốt giai đoạn thế kỷ 19 để thiết kế một lá cờ riêng cho Australia. Nỗ lực đầu tiên là một hiệu kỳ thuộc địa được tạo vào năm 1823 – 1824 bởi John Nicholson và John Bingle. Lá cờ này gồm một chữ thập đỏ trên nền trắng, với một ngôi sao tám cánh tại mỗi chân của chữ thập, thiết kế Quốc kỳ mẫu quốc Anh thì đặt tại góc trên bên trái. Trong khi nỗ lực còn lại là vào năm 1831 với lá cờ cũng do John Nicholson thiết kế, hiệu kỳ này tương tự như lá cờ trước đó, ngoại trừ chữ thập có màu xanh thay vì màu đỏ (Thập giá Thánh George của Anh Quốc). Song bất chấp mọi nỗ lực, không một Quốc kỳ Australia nào trở nên phổ biến rộng rãi cho đến phần sau của thế kỷ, khi những lời kêu gọi về Liên bang hóa trở nên phát triển và nhiệt liệt hơn.
Tại Australia, lá cờ cổ xưa nhất được biết đến diễn tả 5 ngôi sao thuộc chòm Nam Thập tự là hiệu kỳ Liên minh chống Đày ải, nó trông khá giống Quốc kỳ hiện nay, chỉ khác ở chỗ không có ngôi sao Thịnh vượng chung bảy cánh và các sao trong chòm Nam Thập tự mang màu vàng và có tám cánh. Lá cờ này chỉ được dùng trong một thời gian ngắn, do chỉ hai năm sau khi Liên minh thành lập năm 1851, các nhà cầm quyền Anh Quốc quyết định kết thúc quá trình tiếp nhận tù nhân, do đó Liên minh chống Đày ải cũng ngừng luôn các hoạt động của mình. Ngoài ra trong thời kỳ này còn có một lá cờ nổi bật là “Hiệu kỳ Eureka”, nó được những người chủ nghĩa dân tộc Australia xem là Quốc kỳ đúng đắn nhất để đại diện cho Australia, đơn giản vì lá cờ này không chứa hình ảnh Quốc kỳ Vương quốc Anh.
Cờ Quốc gia Thuộc địa Australia năm 1824 Cờ Liên bang Australia năm 1831 Hiệu kỳ Eureka - lá cờ đầu tiên và duy nhất của Australia không chứa hình Quốc kỳ Anh Quốc Hiệu kỳ Liên minh chống Đày ải - bản mẫu của Quốc kỳ Australia hiện tại Hiệu kỳ sông Murray ra đời năm 1850, hiện vẫn được áp dụng cho các tàu đi đường thủy nội địa Australia
Khi quá trình Liên bang hóa tới gần, người ta bắt đầu nghĩ đến một lá cờ chính thức đại diện cho Australia. Năm 1900, tòa soạn Review of Reviews có trụ sở tại Melbourne tổ chức một cuộc thi thiết kế Quốc kỳ, với yêu cầu rằng lá cờ mới nên bao gồm hình ảnh Quốc kỳ Vương quốc Anh và chòm sao Nam Thập tự. Đã có lo lắng cho rằng những thiết kế tuy đẹp nhưng không có hai biểu tượng trên sẽ khó mà chiến thắng, dù vậy Hội đồng vẫn quyết định các tác phẩm dự thi nên hội tụ đủ hai biểu tượng được yêu cầu.
Sau khi quá trình Liên bang hóa hoàn tất ngày 1/1/1901, chính phủ Vương quốc Anh gửi đến một yêu cầu về việc thiết kế Quốc kỳ mới cho Liên bang. Chính phủ Liên bang Australia liền tổ chức một cuộc thi thiết kế Quốc kỳ Liên bang diễn ra trong tháng 4 cùng năm. Cuộc thi thu hút 32.823 tác phẩm, trong đó nhiều tác phẩm đã từng được gửi đến tòa soạn Review of Reviews và có cả những tác phẩm cóp ý tưởng từ quá khứ. Hình thức và giải thưởng của hai cuộc thi hợp nhất sau khi được Review of Reviews chấp thuận. Mỗi người dự thi được yêu cầu trình bày hai phác thảo có màu, một Hồng thuyền kỳ (Red Ensign) sử dụng cho dịch vụ thương nghiệp và dịch vụ công cộng, cùng với một Lam thuyền kỳ (Blue Ensign) sử dụng cho chính quyền và Hải quân. Các thiết kế được đánh giá theo bảy tiêu chuẩn là: Lòng kiên trung với Đế quốc Anh, đề cao những giá trị của Liên bang, gợi nhắc về lịch sử và văn hóa, có ý nghĩa tốt đẹp, thiết kế đẹp và độc đáo, sở hữu tính tiện ích cao, dễ dàng trong việc may Quốc kỳ.
Theo đúng yêu cầu, phần lớn các thiết kế đều chứa hình Quốc kỳ Anh Quốc và chòm sao Nam Thập tự, song các loài động vật bản địa (Kangaroo và đà điểu Emu) cũng xuất hiện phổ biến, có cả các thiết kế mô tả loài Kangaroo đang chơi Cricket hoặc bóng bầu dục. Các tác phẩm được trưng bày tại tòa nhà trưng bày Vương thất tại thành phố Melbourne và được các giám khảo dành sáu ngày để cân nhắc trước khi đi đến quyết định. Cuối cùng, năm thiết kế gần như giống hệt nhau được chọn làm thiết kế thắng cuộc, và những “nhà thiết kế” này cùng chia sẻ giải thưởng là £200. Họ là Ivor Evans đến từ Melbourne, Leslie John Hawkins đến từ Sydney, Egbert John Nuttall đến từ Melbourne, Annie Dorrington đến từ Perth và William Stevens đến từ Auckland – New Zealand. Do có tới 5 người chiến thắng nên mỗi người chỉ nhận được £40.
Ngày 3/9/1901, Quốc kỳ Australia được kéo lên lần đầu trên đỉnh vòm của Tòa triển lãm Vương thất tại Melbourne. Tên của những người chiến thắng được Hersey – Bá tước phu nhân xứ Hopetoun (phu nhân của Bá tước John Hope xứ Hopetoun – Toàn quyền Australia). Bà cũng là người công bố lá cờ mới và là người vẫy nó lần đầu tiên. Kể từ năm 1996, ngày này hằng năm là ngày Quốc kỳ Australia.
Một phiên bản của thiết kế giành chiến thắng được đệ trình lên Quốc hội Anh vào tháng 12/1996. Ngày 11/2/1903, Thủ tướng Anh Edmund Barton công bố trong bản Hiến chương Thịnh vượng chung rằng Quốc vương Edward VII (tân Quốc vương Anh Quốc nối ngôi Nữ hoàng Victoria) đã chính thức công nhận lá cờ này là Quốc kỳ Australia. Lá cờ được Edward VII công nhận chỉ hơi khác so với thiết kế chiến thắng, thay toàn bộ bốn ngôi sao lớn trong chòm Nam Thập tự thành bảy cánh.
Bìa trước tạp chí Review of Reviews, ngay sau khi công bố thiết kế chiến thắng của cuộc thi thiết kế Quốc kỳ Liên bang năm 1901 Thiết kế chiến thắng với 5 thí sinh thắng cuộc thiết kế gần giống hệt nhau, đây cũng là Quốc kỳ Australia từ 1901 - 1903 Lá cờ được Quốc vương Edward VII phê chuẩn, là Quốc kỳ Australia từ 1903 - 1908 đây là lá cờ đầu tiên của Australia xuất hiện tại một sự kiện lớn, đó là tại Olympic mùa hè 1904 diễn ra ở St Louis Tòa Triển lãm Vương thất Melbourne, nơi Quốc kỳ Australia được kéo lên lần đầu tiên
Quốc huy Australia bao gồm một lá chắn có chứa biểu tượng của sáu bang Australia (chỉ trừ vùng Northern Territory – Lãnh thổ phương Bắc), hai bên là hai loài động vật đặc hữu tiêu biểu nhất của Australia – Kangaroo và đà điểu Emu, phía trên đỉnh là ngôi sao Liên bang bảy cánh, và phía dưới là hình ảnh cách điệu của loài keo vàng – Quốc hoa Australia. Quốc huy đầu tiên của Australia được vua Anh Quốc Edward VII phê chuẩn vào ngày 7/5/1908, và phiên bản như hiện tại được vua George V công nhận ngày 19/9/1912.
Tấm khiên Australia, biểu tượng nằm tại trung tâm Quốc huy New South Wales Victoria Queensland South Australia Western Australia Tasmania Huy hiệu Công quốc Brittany (939 - 1547), một cựu Công quốc thuộc nước Pháp ngày nay mà người Anh đã để mất vào tay Pháp. Trong Quốc huy Australia có chứa biểu tượng này của xứ Brittany, vì người Anh từng muốn tái lập Công quốc Brittany trên lãnh thổ Australia, do còn luyến tiếc vùng đất cuối cùng của người Anh trên đất liền châu Âu Cờ Bowman năm 1806, ra đời bởi Hải quân Hoàng gia Anh nhằm ăn mừng tròn một năm sau chiến thắng trước Đệ nhất Đế quốc Pháp trong trận Trafalgar Quốc huy Australia đầu tiên, ra đời năm 1908
Từ “Kangaroo” xuất phát từ ngôn ngữ Guugu Yimithirr (ngôn ngữ của cư dân bản địa vùng bán đảo Cape York), được cho là đề cập đến “những con chuột túi màu xám”. Cái tên này lần đầu được ghi là “kanguru” vào ngày 12/7/1770 trong quyển nhật ký hải trình của Sir Joseph Banks, diễn ra trên bờ sông Endeavour thuộc vùng Cooktown hiện tại, nơi tàu HMS Endeavour dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng James Cook dừng lại trong vòng bảy tuần để sửa chữa hư hại. Sự kiện James Cook dừng chân ở Australia đã đánh dấu cơ sở quyền lực ban đầu cho Anh Quốc ở đại lục này.
Khi đoàn thám hiểm vào nội địa bắt Kangaroo làm lương thực, họ đã hỏi cư dân bản địa rằng “Loài động vật này tên là gì”? Và họ trả lời là “Kangaroo”, trong tiếng Guugu Yimithirr nghĩa là “Tôi không hiểu bạn nói gì”? Nguồn gốc có vẻ… buồn cười này được nhà Ngôn ngữ học John B. Haviland tìm ra vào năm 1970 trong nghiên cứu của ông về ngôn ngữ của người bản địa Guugu Yimithirr.
Đà điểu Emu còn gọi là chim Emu hay đà điểu châu Úc, tên khoa học là Dromaius Novaehollandiae. Là một loài chim thuộc họ đà điểu Australia (Casuariidae) của bộ đà điểu (Struthioniformes). Chim Emu sống trên các đồng cỏ Australia, phân bố hầu khắp lãnh thổ Australia từ bang Tây Úc, Queensland, New South Wales đến Victoria. Đà điểu Emu có thời gian sinh sản vào khoảng tháng 5 và tháng 6 hằng năm, việc cạnh tranh giữa các con cái để có một người bạn đời lý tưởng diễn ra thường xuyên. Công việc ấp trứng thuộc về con đực, trong quá trình đó nó hầu như không ăn và uống, dẫn đến mất đi một trọng lượng đáng kể. Sau khoảng tám tuần thì trứng nở, và con con được nuôi dưỡng bởi cha của chúng. Đà điểu Emu đạt kích cỡ trưởng thành sau khoảng sáu tháng, nhưng nó vẫn chưa sống tự lập hoàn toàn cho đến mùa sinh sản tiếp theo. Cùng với Kangaroo, đà điểu Emu là một biểu tượng văn hóa quan trọng của Australia, xuất hiện trên Quốc huy đất nước và trên nhiều đồng tiền khác nhau xuyên suốt lịch sử nước này. Emu cũng là một loài chim thần và đóng vai trò nổi bật trong các câu chuyện thần thoại của thổ dân bản địa Australia.
Chòm sao Southern Cross (Nam Thập tự) còn gọi là Crux trong tiếng Latin, là chòm sao đối nghịch với chòm Cygnus (chòm Thiên Nga hay còn gọi là Bắc Thập tự). Nam Thập tự bao gồm 5 ngôi sao khá sáng xếp thành hình chữ thập và nằm vào khoảng giữa hai chòm sao Centaurus (Bán Nhân Mã) và Musca (Thương Dăng – tức con ruồi). Tuy là chòm sao có diện tích trên thiên cầu nhỏ nhất trong số 88 chòm sao hiện đại, nhưng Nam Thập tự lại dễ nhận diện do rất rõ và sáng. Đây là một trong những chòm sao nổi tiếng nhất thường xuất hiện trên Quốc kỳ các nước châu Đại Dương (trong Quốc kỳ Brazil cũng có hình ảnh này). Sở dĩ mang tên gọi Nam Thập tự bởi đây là một chòm sao đặc trưng chỉ có thể được trông thấy rõ ràng tại Nam bán cầu. Tại Bắc bán cầu vẫn có thể trông thấy nó, nhưng càng xuôi về phía Bắc thì 5 ngôi sao này càng khuất dần, lại không được trông thấy thường xuyên và rõ ràng như tại bán cầu Nam, tại Bắc bán cầu chỉ có thể trông thấy chòm Nam Thập tự trong khoảng chập tối từ tháng 5 tới tháng 7 hằng năm.
Trong kỷ nguyên khám phá, do thiếu vắng một ngôi sao Nam cực (đối nghịch với sao Bắc Đẩu xác định hướng bắc) có độ sáng đáng kể để xác định phương hướng vào ban đêm dựa trên bầu trời phía nam. Các nhà Chiêm tinh và Bản đồ học đi cùng các đoàn thám hiểm đã xác định hai ngôi sao trong số 5 sao của chòm Nam Thập tự (sao Acrux và Gacrux, còn gọi là Alpha và Gamma) để xác định chính xác hướng Cực nam địa lý. Thật ra chòm sao chính xác nhất để xác định vị trí Cực nam là chòm Sigma Octantis (Nam Cực), nhưng nó lại nằm quá sát với Cực nam và quá mờ để trở nên có ích cho con người. Nên chòm Nam Thập tự nghiễm nhiên trở thành chòm sao đúng đắn và hữu ích nhất trong việc thám hiểm Nam bán cầu.
Do chỉ được nhìn thấy rõ ràng tại Nam bán cầu, nên chòm sao Nam Thập tự không được nhiều người biết đến trước thế kỷ XVII trừ những nhà thám hiểm thường phải trông vào nó để xác định phương hướng. Trên thực tế nó đã được trông thấy ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, nhưng các nhà Thiên văn Hy Lạp không coi Nam Thập tự như một chòm sao riêng biệt mà coi nó như một phần của chòm Bán Nhân Mã. Sự chia tách Nam Thập tự như một chòm sao riêng rẽ diễn ra vào năm 1679 bởi nhà Thiên văn học người Pháp Augustin Royer. Kể từ đó, chính chòm Nam Thập tự đã dẫn các nhà thám hiểm đến nhiều vùng đất thuộc bán cầu Nam hiện nay – trong đó có Australia, nên hình ảnh chòm sao dẫn đường Nam Thập tự trở thành biểu tượng truyền thống của Australia.như một điều hiển nhiên.
Nam Thập tự - chòm sao đặc trưng của Nam bán cầu
Cây keo vàng còn gọi là Mimosa vàng, tên khoa học là Acacia Pycnantha, là một loài thực vật thuộc họ Cánh bướm, lớp Trinh nữ và chi Keo. Loài keo vàng phân bố rộng rãi tại miền đông nam Australia và là Quốc hoa của nước này.
Năm 1842, khi thu thập các mẫu vật tại miền nam Australia nhà Thực vật học Thomas Mitchell đã bổ sung loài keo vàng như một danh từ mới trong giới Tự nhiên học. Ít lâu sau George Bentham, một nhà Thực vật học khác đã mô tả loài cây này, theo đó tuy là một loài thực vật xâm lấn nhưng vỏ cây keo vàng tạo ra chất tanin nhiều hơn bất cứ loài keo nào khác, dẫn đến việc Anh Quốc nhanh tay xúc tiến việc khai thác thương mại và sản xuất hợp chất này. Và từ chỗ là cây dại xâm lấn, loài keo vàng đã được trồng rộng rãi để sản xuất hoa và làm cây cảnh khắp các xứ thuộc địa Anh. Đến năm 1988 hoa keo vàng mới được chọn làm Quốc hoa chính thức của Australia, nhưng thực ra họ đã xem nó như một biểu tượng Quốc gia từ trước đó rất lâu, hình ảnh cách điệu của loài keo vàng có xuất hiện trên Quốc huy Australia ngày nay, ra đời năm 1912. Ngoài ra, hai màu sắc đặc trưng nhất của Australia, được dùng bởi các đội thể thao quốc tế nước này (xanh lá và vàng) đã được lấy cảm hứng ban đầu từ màu sắc của loài keo nói chung. Đến năm 1988 khi hoa keo vàng được xem là Quốc hoa chính thức, hai màu sắc xanh lá và vàng mới được coi là lấy ý tưởng từ loài keo vàng – Quốc hoa Australia.
Cây keo vàng - biểu tượng có trên Quốc huy Australia
New South Wales
Bang kỳ Bang huy
Victoria
Bang kỳ Bang huy
Tasmania
Bang kỳ Bang huy
Queensland
Bang kỳ Bang huy
South Australia – Nam Úc
Bang kỳ Bang huy
Western Australia – Tây Úc
Bang kỳ Bang huy
Northern Territory – Lãnh thổ phương Bắc
Bang kỳ Bang huy
Lãnh thổ thủ đô Australia
Hiệu kỳ Hiệu huy
Cờ thổ dân Australia
Đảo Norfolk
Huy hiệu đảo Norfolk Cờ đảo Norfolk
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%9Ac https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BB%91c_k%E1%BB%B3_%C3%9Ac https://en.wikipedia.org/wiki/Blue_Ensign https://en.wikipedia.org/wiki/British_ensign https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_Australian_flags https://vi.wikipedia.org/wiki/Li%C3%AAn_bang_h%C3%B3a_%C3%9Ac https://en.wikipedia.org/wiki/Duchy_of_Brittany https://en.wikipedia.org/wiki/Kangaroo https://en.wikipedia.org/wiki/Emu https://vi.wikipedia.org/wiki/Nam_Th%E1%BA%ADp_T%E1%BB%B1 https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_c%C3%A1c_ch%C3%B2m_sao_theo_di%E1%BB%87n_t%C3%ADch https://vi.wikipedia.org/wiki/Keo_v%C3%A0ng